Cờ Phủi Hà Nội – CỜ GIANG HỒ

4182
1

Trong ngàn vạn nghề mưu sinh, chọn cách kiếm sống bằng cờ tướng là một “nghề” khắc nghiệt. Bởi “trạng cờ” phải bỏ quá nhiều công sức, trí óc để nghiên cứu “tuyệt nghệ”, thế nhưng, kiếm sống bằng “cờ độ” không dễ, người bị thua nhiều chắc chắn sẽ không chơi nữa. Vì thế, kiếm tiền bằng chơi cờ tướng rất bấp bênh, vậy mà không hiểu tại sao, hàng trăm “cao thủ” vẫn chọn con đường mưu sinh đó…

Nói thật, ban đầu không ai coi “cờ tướng” là một nghề cả, bởi hầu hết mọi người chơi để vui, xả tress, hoặc may lắm thì “rinh” được vài giải “cờ vườn”. Tuy nhiên, khi chơi vui, người chầu rìa ai cũng góp nước được, thậm chí khán giả còn cao hứng cầm cây đi loạn xạ khiến bàn cờ thiếu nghiêm túc. 

Vì thế, mới nảy sinh cờ độ để người ngoài bớt mách nước (hoặc để phân trình cao thấp). Lúc mới chơi thì đánh nhỏ, sau này, cay cú đánh lớn. Dần dà thành quen, đánh cờ không có độ thì không chịu được. Từ đây, nảy sinh những “thợ cờ” chỉ đi đánh độ ăn tiền. Dù chưa định nghĩa là một nghề, thế nhưng, vẫn có nhiều người trót yêu cờ, đắm chìm vào cái nghiệp đó cứ như bị ma ám khó lòng dứt ra được.

co-phui-ha-noi-2

Nở rộ những xới cờ “phủi”

Thực chất, cờ tướng chỉ là thú vui – thế nhưng cái thú vui xuất phát từ Trung Quốc này đã mang tính dân gian Việt lúc nào không hay. Theo thống kê, có tới hơn 1/3 người dân Việt biết chơi cờ tướng (nhiều hơn cả Trung Quốc – cái nôi của nghệ thuật cờ tướng).

Thậm chí, cờ tướng hiện đã được đưa vào cấp 1 dạy cho các em học sinh như những bài học ngoại khoá. Những khoái kiệt cờ tướng cũng được trưởng thành từ đây.

Ông Phan An, một huấn luyện viên cờ nổi tiếng tại Hà Nội cho biết: Ngay cả lúc thăng trầm trầm nhất của đất nước khi có chiến tranh, thì cờ tướng vẫn có chỗ đứng riêng.

“Tôi nhớ, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những giải vô địch cờ tướng vẫn được tổ chức. Cờ tướng tồn tại bền bỉ vì môn thể thao trí tuệ này không đòi hỏi sân bãi cầu kỳ. Chỉ cần 32 quân cờ với một bàn gỗ, hoặc một tờ giấy, thậm chí một vài ô gạch là chơi được”.

“Rồi đến thời bao cấp, hàng hóa khó khăn, có khi người ta tự làm lấy quân cờ bằng những mẩu gỗ thừa. Đến những năm 1990 đã bắt đầu có nhiều giải cờ, nhiều “thợ cờ” chỉ đi đánh độ kiếm tiền. Ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và các thành phố lớn trong cả nước, các xới “cờ phủi” bắt đầu xuất hiện”, ông An kể.

Cho đến giờ, Hà Nội có vô số “kỳ đài” tự phát tại các hè phố, vườn hoa, những “xới” cờ vỉa hè này đã đóng góp nhiều danh thủ trứ danh cho quốc gia. Nhưng cũng chính từ các xới phủi này, cờ độ, cờ ăn tiền diễn ra khá công khai.

Thử điểm mặt các xới cờ phủi Hà Nội, không thể không nhắc tới các địa danh như: Ngõ Trạm, Vườn hoa con Cóc (phố Ngô Quyền), Hoàn Cầu, Kim Liên, Nghĩa Tân, đoạn ven Hồ Trúc Bạch…

Tại các xới cờ này, cứ mỗi buổi chiều (thậm chí đến đêm), tập trung đủ các nhân vật, từ kỹ sư xây dựng, bác sĩ, thầy giáo, và cả những nghề thời thượng như chứng khoán, nhà đất, ngân hàng, hoặc như lái xe, xe ôm,…. đều “mê” cờ đến quên đường về.

Mà chơi vui mãi cũng chán, phải có độ nó mới xôm, mới hết mình, mới phân rõ tài cao thấp. Thế nên, những xới cờ phủi vô tình thành “xới bạc”, việc kiếm tiền cờ độ cũng hình thành. Vì vậy, nhiều người cứ băn khoăn với câu hỏi đó là nghề, hay là nghiệp?

co-phui-ha-noi

“Nghiệp cờ” đeo đẳng kiếp người…

Tâm sự với VietnamFinance, anh Vũ Thiện Bảo, huấn luyện viên cờ Hà Nội (nhiều lần xuất hiện trên truyền hình) tâm sự: Đó là nghiệp. Ai đã nghiên cứu, chơi cờ tương đối sâu rồi thì khó bỏ lắm, nó ám ảnh, “ngấm” đến mê mẩn. Có nhiều người đã bỏ cả sự nghiệp, công danh, nhà cửa chỉ vì mê cờ.

Còn với các cao thủ đã coi cờ tướng là “nghề” liệu có đủ sống không? Anh Bảo cho rằng: Nếu nói một cách công bằng thì ngay cả với các tuyển thủ ăn lương tại Việt Nam (hay còn gọi là “hàng tướng”) cũng đang sống rất chật vật với nghề.

Ví dụ như tại Hà Nội, một cầu thủ chuyên nghiệp chỉ có cỡ lương chỉ từ 5-6 triệu/tháng. Với thu nhập đó buộc họ phải có nghề tay trái, hoặc phải đi đánh cờ phủi, cờ độ kiếm thêm.

Còn với những kỳ thủ kém “hàng tướng” một chút – gọi là “hàng tá” thì kiếm cơm bằng cờ tướng thực sự vất vả. Họ không có lương nên buộc phải đi đánh độ tại các xới cờ để “chăn gà” kiếm tiền.

Anh Nguyễn Khánh Ngọc, một tuyển thủ cờ Hà Nội chia sẻ, không chỉ riêng em, mà một loạt các danh thủ Hà Nội như: Quân “bún”, Cường Kim Liên, Trường “ngọng” (danh thủ Lại Việt Trường), Hà Văn Tiến… dù có lương nhưng vẫn đi đánh cờ độ kiếm thêm là chuyện bình thường.

Còn đã ra độ thì tuỳ từng “đối” mà chấp, chỉ cần xem họ đi vài ba nước là biết “trình” thuộc loại nào. Khi bọn em đã ra độ thì chắc chắn là phải “lấy”. Thời gian đầu em mới nổi, ít người biết nên kiếm dễ, giờ đã thành danh, lên tivi, lên mạng nhiều nên “gà” quen mặt, giờ rủ đánh họ cũng không dám chơi, hoặc phải chấp “sâu” khó thắng lắm, vì thế thu nhập kém hẳn.

Giờ em xin làm thêm tại công ty cây xanh Hà Nội, công việc tay chân hàng tháng cũng giúp em có thêm 5 triệu/tháng chứ lương cờ không đủ anh ạ.

Khi tôi hỏi, “với mức thu nhập đó, em có định bỏ cờ không?”, “Chắc chắn không anh ạ, để có “công lực” như ngày hôm nay, em đã bỏ bao nhiêu công sức, trí óc mới vào trong top 20 người cao nhất toàn quốc. Vì thế, nó là nguồn sống duy nhất của em, muốn làm cái khác cũng không được”, ông nói.

Còn với Nguyễn Văn Tuấn, biệt danh “tiểu tử lang thang”, một cao thủ thuộc “hàng tá” Hà Nội thì cờ tướng như “ăn” vào máu. Tôi biết Tuấn từ khi cậu còn là một sinh viên trên giảng đường Đại học Quốc gia, thế nhưng, những xới cờ phủi “thực dụng” hơn những bài giảng.

Từ một cậu học trò nghèo quê Phú Thọ xuống Thủ đô, ban đầu Tuấn lân la các xới cờ học hỏi đánh vui, sau đó nghiên cứu sâu để đánh độ chăn gà. Thời điểm năm 2004-2007, Tuấn “sống khoẻ” vì cờ tướng khi biết chăn những “con gà” lắm tiền nhưng ham chơi.

Tôi nhớ, như in ngày 25 Tết âm lịch năm Ất Dậu (2005), Tuấn tìm đến nhà tôi hỏi vay 300 nghìn đồng. Tôi hỏi: “Về quê à?”, “Không, em có con gà ngon lắm, nhưng hết tiền, anh cho em vay, mai em trả”.

Ngày hôm sau, đúng hẹn Tuấn đến nhà tôi với 1 chiếc xe máy mới tinh, trả tiền và mời đi ăn. Tuấn hào hứng kể: hôm qua em “giòng” được con gà ngon quá anh ạ. Ông ý là “dân xã hội”, nhiều tiền, em chấp 1 ngựa, lúc đầu đánh 100 trăm đồng/ván, em thắng gần 10 ván, gã cay cú nâng lên 500 trăm/ván, đỉnh cao nhất lên 3 triệu/ ván. Đánh cả đêm em được gần 36 triệu anh ạ.

Nhưng đó chỉ là may mắn nhất thời, vì sau trận đó khó có con gà nào chịu chơi nữa, vì họ đã biết đến tiếng của Tuấn. Số tiền kiếm được cũng mau chóng tiêu hết.

Đến giờ, sau 10 năm gặp lại Tuấn, vẫn cái bộ dạng nhếc nhác ngồi lê hết vỉa hè này đến vỉa hè khác, cuộc sống mưu sinh của Tuấn trở nên khá gập ghềnh và khó khăn khi sau những trận cờ anh chỉ tìm thú vui vào… rượu.

Nhưng không chỉ riêng Tuấn, tại Hà Nội, không thiếu những số phận nghiệt ngã vì đã coi cờ tướng là một nghề kiếm tiền.

Tôi cứ nghĩ mãi về một câu thơ “Cờ tiên, rượu thánh ai đong? Lưu tinh, Đế thích là phường tri âm”. Nghe thì thật thong dong, nhưng sống thì thật khó khăn, đúng như anh Vũ Thiện Bảo đã nói; “Cờ tướng là một cái nghiệp, nó đam mê và đeo đẳng cả một kiếp người”…

Nguồn VNF

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here